Kỹ thuật y sinh giữ vị trí là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực Y tế – Sức khỏe. Trong những năm gần đây, nó đang được đông đảo các bạn trẻ quan tâm và theo học. Bài viết này xin chia sẻ một số kiến thức, thông tin hữu ích của ngành khoa học này.
Ngành kỹ thuật y sinh là gì?
Kỹ thuật Y sinh (tiếng Anh: Biomedical engineering) là một bộ môn khoa học ứng dụng dựa trên nguyên lý cơ bản trong kỹ thuật cùng nhiều ý tưởng về thiết kế từ đó đưa ra nhiều giải pháp trong y học, sinh học cũng như các mục đích chăm sóc sức khỏe khác (ví dụ như phương pháp chẩn đoán hoặc liệu pháp điều trị). Kỹ thuật y sinh là nhân tố quan trọng giúp lấp đầy khoảng trống còn thiếu giữa các kỹ thuật máy móc và y dược học, nó là sự kết hợp của thiết kế giúp giải quyết các vấn đề còn vướng mắc về phương pháp, kỹ thuật mà trước đây y học và sinh học chưa thể chạm đến. Sự kết hợp này đã nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe, bao gồm công tác chẩn đoán, theo dõi, và điều trị.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Y sinh trang bị những kiến thức, kỹ năng về tin học, sinh học, chẩn đoán, xử lý hình ảnh, xử lý tín hiệu sinh lý học, cơ sinh học, vật liệu sinh học với kỹ thuật sinh học, phân tích hệ thống, mô hình hóa 3 chiều… Đồng thời cũng chú trọng tới việc phát triển thêm các kỹ năng chuyên môn đó là phát triển và sản xuất các bộ phận giả tương thích sinh học, thiết bị y học, thiết bị chẩn đoán và các thiết bị hình ảnh như siêu âm, X quang, CT… tới sinh viên của ngành.
Các khối, tổ hợp xét tuyển đối với ngành kỹ thuật y sinh là gì?
Theo thông tin tìm hiểu, ngành KTYS có xét tuyển đa dạng nhiều tổ hợp. Các tổ hợp đó là:
- A00: Toán – Vật lý – Hóa học
- A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh
- A02: Toán – Vật lý – Sinh học
- A19: Toán – Vật lý – Bài kiểm tra tư duy (thuộc bài kiểm tra tư duy Đại học Bách Khoa)
- B00: Toán – Hóa học – Sinh học
- B08: Toán – Sinh học – Tiếng Anh
- C01: Ngữ văn – Toán – Vật lý
- C04: Ngữ văn – Toán – Địa lý
- D01: Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh
- D07: Toán – Hóa học – Tiếng Anh
- D90: Toán – KHTN – Tiếng Anh
Điểm chuẩn ngành kỹ thuật y sinh và các trường đào tạo
Theo năm 2022, phổ điểm xét tuyển của ngành này cũng rất cao. Mức điểm dao động từ 15 – 23,15 điểm (theo thang điểm 30 kỳ thi THPT QG). Ngoài ra, có một số trường còn xét theo tiêu chí riêng; vì vậy cần vào web tuyển sinh của trường để có thông tin chuẩn xác nhất.
Các trường đại học trên cả nước đào tạo chuyên ngành này bao gồm:
Khu vực miền Bắc
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
- Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông – Đại Học Thái Nguyên
- Đại Học Phenikaa
Khu vực miền Nam
- Đại học Công nghệ TP.HCM
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Liệu bạn có phù hợp với ngành kỹ thuật y sinh?
Để có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này, các sĩ tử có thể tham khảo một số tiêu chí sau:
- Đam mê với ngành học
- Thận trọng trong công việc
- Kiến thức về khoa học, kỹ thuật và công nghệ
- Khả năng tìm hiểu vấn đề, đặt vấn đề và ứng dụng khoa học kỹ thuật để tìm giải pháp
- Khả năng hoạt động nhóm để chế tạo, phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm thiết bị y tế mới
- Định hướng phục vụ con người và xã hội
- Sử dụng thành thạo tin học, ngoại ngữ
- Thông minh, nhạy bén
- Đạo đức nghề nghiệp, coi trọng việc nâng cao chăm sóc sức khỏe con người
Học ngành kỹ thuật y sinh cần học giỏi môn gì?
Có 03 môn mà sinh viên theo đuổi môn này cần trau dồi, học tập. Đó là:
- Toán học: Môn học hỗ trợ sinh viên trong việc phân tích, nâng cao khả năng tư duy và làm việc độc lập…
- Sinh học: Sinh viên sẽ không quá bỡ ngỡ khi học tốt môn này. Các môn chuyên ngành liên quan tới kiến thức sinh học có thể là: Vật liệu y sinh, cơ sinh, quang học y sinh…
- Tiếng Anh: Sinh viên cần sử dụng ngôn ngữ này như một công cụ đắc lực trong việc nghiên cứu, học tập và trao đổi thông tin.
Cơ hội việc làm dành cho ngành kỹ thuật y sinh như thế nào?
Sinh viên ngành KTYS có thể lựa chọn cho mình một trong những vị trí làm việc sau:
- Nhân viên y tế: tại công ty thiết kế, cung cấp thiết bị y tế, bệnh viện…
- Nghiên cứu viên: ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm y sinh
- Giảng dạy: tại trường cao đẳng, đại học, trung cấp nghề chuyên nghiệp liên quan
- Kỹ sư: nghiên cứu, chế tạo, cải tiến sản phẩm trong các công ty thiết bị y tế
- Chuyên viên: quản lý vận hành, bảo quản máy móc, trang thiết bị trong bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám y khoa…
- Kỹ sư lâm sàng: tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…
- Quản lý, vận hành các trang thiết bị y tế
Mức lương dành cho người làm ngành kỹ thuật y sinh là bao nhiêu?
Tại Việt Nam, mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường là 10 triệu VNĐ/tháng. Đối với những người đã có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, con số này có thể tăng lên 15 – 25 triệu VNĐ/tháng.
Trên thế giới, mỗi kỹ sư KTYS có thể kiếm được 31.99 – 39.98 USD/giờ tại Canada. Ở Hoa Kỳ, trung bình mỗi năm kỹ sư KTYS có thể có 95.090 USD. Đây thực sự là những con số mà ai cũng khao khát có được.
Kết luận
Ngành KTYS ra đời đã đem lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y tế – chăm sóc sức khỏe con người. Các thiết bị công nghệ cao không ngừng được ra đời, đổi mới. Nhờ đó mà chất lượng chẩn đoán bệnh ngày càng được nâng cao, các bệnh hiểm nghèo ngày càng được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, đem lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đó. Có thể kể tới một số các phương pháp chẩn đoán của ngành như: X – quang, CT – Chụp cắt lớp điện toán, DSA – chụp X-quang kỹ thuật số mạch máu theo phương pháp loại trừ, MRI – chụp cộng hưởng từ, ứng dụng hạt nhân (PET,SPECT)… Tất cả những điều kể trên của ngành kỹ thuật y sinh đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người, nâng cao tuổi thọ.
Pingback: Điểm chuẩn 2024 Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (HCMUTE) mới nhất
sau này ra trường làm nghề gì?
có khối nào xét tuyển không?
ngành này là ngành mới ở vn hả?