Ngành Kiến trúc là học gì? Điểm chuẩn và các trường đào tạo

Những năm gần đây, sự bùng nổ dân số và sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế đã tạo nên “cơn khát” bất động sản. Trong tình hình đất chật người đông như hiện nay, việc sở hữu cho mình một căn nhà hoặc căn hộ chung cư được xem như biểu hiện của sự thành công và giàu có. Bên cạnh đó, những trung tâm thương mại, nhà hàng – khách sạn hoặc các địa điểm giải trí cũng mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người tiêu dùng ở mọi độ tuổi. Chính xu hướng này đã tạo mảnh đất màu mỡ cho ngành Kiến trúc phát triển. Vậy thì ngành Kiến trúc là học gì? Ra trường sẽ làm gì? Hãy cùng bài viết sau giải đáp những câu hỏi trên.

Ngành kiến trúc là học gì?

Kiến trúc là sự hòa trộn giữa nghệ thuật và kỹ thuật thiết kế các công trình xây dựng như tòa nhà văn phòng, nhà ở, chung cư,… Chính vì thế, nhiệm vụ của một kiến trúc sư là dung hòa cả 3 yếu tố công dụng thực tiễn, ý nghĩa tinh thần và giá trị thẩm mỹ trong mỗi một bản thiết kế. Khi theo học ngành Kiến trúc, bạn sẽ được đào tạo các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu để thiết kế các công trình phục vụ đời sống như nhà ở, địa điểm giải trí, tòa nhà văn phòng, bệnh viện, v.v. Những nội dung trên sẽ được truyền tải qua các tiết học lý thuyết và các đồ án thực hành.

Các khối thi vào ngành kiến trúc là gì?

Các trường đào tạo ngành Kiến trúc thường xét tuyển những khối thi sau đây:

  • Khối A00: Toán Học, Vật Lý, Hóa Học
  • Khối A07: Toán Học, Lịch Sử, Địa Lý
  • Khối A16: Toán Học, KHTN, Ngữ Văn
  • Khối D01: Ngữ Văn, Toán Học, Tiếng Anh
  • Khối D90: Toán Học, KHTN, Tiếng Anh
  • Khối H01: Toán Học, Ngữ Văn, Vẽ
  • Khối H02: Toán Học, Vẽ Hình Họa Mỹ Thuật, Vẽ Trang Trí Màu
  • Khối H06: Ngữ Văn, Tiếng Anh, Mỹ Thuật
  • Khối H07: Toán Học, Hình Họa, Trang Trí
  • Khối H08: Toán Học, Hình Họa, Trang Trí
  • Khối V00: Toán Học, Vật Lý, Vẽ Hình Họa Mỹ Thuật
  • Khối V01: Toán Học, Ngữ Văn, Vẽ Hình Họa Mỹ Thuật
  • Khối V02: Vẽ Mỹ Thuật, Toán Học, Tiếng Anh
  • Khối V03: Vẽ Mỹ Thuật, Toán Học, Hóa Học
  • Khối V04: Ngữ Văn, Vật Lý, Vẽ Mỹ Thuật
  • Khối V05: Ngữ Văn, Vật Lý, Vẽ Mỹ Thuật
  • Khối V06: Toán Học, Địa Lý, Vẽ Mỹ Thuật
  • Khối V10: Toán Học, Tiếng Pháp, Vẽ Mỹ Thuật

Điểm chuẩn trúng tuyển ngành kiến trúc là bao nhiêu?

Các cơ sở đào tạo ngành Kiến trúc sẽ đưa ra mức điểm chuẩn trúng tuyển khác nhau và sẽ có sự thay đổi theo từng năm học. Thông thường, hình thức xét học bạ yêu cầu mức điểm chuẩn từ 6 – 18 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn của hình thức xét điểm thi THPTQG lại dao động từ 14 – 25.5 điểm. Một số trường khác lại sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đây là kỳ thi được Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức nhằm đánh giá khả năng tư duy logic của thí sinh qua 120 câu hỏi trắc nghiệm. Các trường đào tạo Kiến trúc thường yêu cầu thí sinh đạt được 550 – 762 điểm.

Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo sẽ sử dụng thêm một hoặc vài tiêu chí phụ để chọn lọc sinh viên đầu vào. Sau đây là những tiêu chí phụ thường gặp:

  • Môn chính: Vẽ Mỹ Thuật
  • Tuyển sinh dựa trên điểm tốt nghiệp (thường rơi vào khoảng 18 – 20 điểm)
  • Điểm Vẽ Mỹ Thuật nhân đôi
  • Điểm Vẽ Hình Họa Mỹ Thuật tối thiểu 6 điểm

Trường nào đào tạo ngành kiến trúc?

Khu vực miền Bắc

  • Đại học Kiến trúc Hà Nội
  • Đại học Xây dựng
  • Đại học Mở Hà Nội
  • Đại học Phương Đông
  • Đại học Hòa Bình
  • Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
  • Đại học Nguyễn Trãi Đại học Hải Phòng
  • Đại học Kinh Bắc

Khu vực miền Trung

  • Đại học Khoa học
  • Đại học Huế Đại học Bách khoa
  • Đại học Đà Nẵng
  • Đại học Xây dựng Miền Trung
  • Đại học Yersin Đà Lạt
  • Đại học Kiến trúc Đà Nẵng

Khu vực miền Nam

  • Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM
  • Đại học Kiến trúc TP.HCM
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
  • Đại học Tôn Đức Thắng
  • Đại học Công nghệ TP.HCM
  • Đại học Nguyễn Tất Thành Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Đại học Văn Lang
  • Đại học Thủ Dầu Một
  • Đại học Xây dựng Miền Tây
  • Đại học Bình Dương
  • Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
  • Đại học Nam Cần Thơ

Ngành kiến trúc gồm những chuyên ngành nào?

Kỹ sư công trình

Các kỹ sư công trình sẽ là người chịu trách nhiệm giám sát và quản lý hiện trường thi công nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và thi công đúng tiến độ. Ngoài ra các kỹ sư công trình còn phải thực hiện hoặc giám sát các công nhân thực hiện những yêu cầu phát sinh (nếu có) của nhà đầu tư. Khi theo đuổi ngành Kỹ Sư Công Trình, sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng như lên kế hoạch và giám sát hiện trường thi công, nghiệm thu công trình, điều chỉnh tiến độ thi công, đánh giá và ngăn chặn rủi ro,…

Thiết kế nội thất

So với kỹ sư công trình, thiết kế nội thất cần đến khả năng sáng tạo nhiều hơn. Thiết kế nội thất là sự sáng tạo và sắp xếp không gian bên trong của một công trình xây dựng. Các bản thiết kế cần phải đảm bảo khiến khách hàng hài lòng cả về tính tiện nghi lẫn tính thẩm mỹ của không gian đó. Vì thế, chuyên ngành Thiết kế nội thất sẽ giảng dạy các kiến thức từ cơ bản như cách bố trí hệ thống đèn điện, các đồ nội thất đến kỹ năng nâng cao như định hình phong cách cho không gian cần thiết kế.

Thiết kế cảnh quan

Đây là chuyên ngành hoàn hảo dành cho những tâm hồn yêu thiên nhiên hoặc không gian ngoài trời. Nhiệm vụ của chuyên viên thiết kế cảnh quan là sắp xếp sao cho những không gian mở còn trống của các công trình xây dựng hài hòa với tổng thể công trình đó. Nói cách khác, người làm ngành Thiết kế cảnh quan cần biến “vườn không nhà trống” thành những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời. Vì vậy, các trường đào tạo Thiết kế cảnh quan thường giảng dạy những môn như Vật Lý Đô Thị, Cảm Thụ Kiến Trúc Cảnh Quan, Bố Cục Không Gian,…

Quy hoạch đô thị

Quy hoạch đô thị là việc kiểm soát và tổ chức các công trình kiến trúc của một khu vực nhất định nhằm phục vụ cho đời sống và sự phát triển của cộng đồng nơi đó, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ của mỗi một công trình nói riêng và cảnh quan cả khu vực nói chung. Sinh viên Quy hoạch đô thị sẽ được đào tạo về thiết kế và quy hoạch các đối tượng khác nhau (nông thôn, giao thông, đô thị, v.v) kết hợp với các bộ môn về xã hội học, kinh tế học, chính sách quản lý nhà ở,…

Liệu bạn có phù hợp với ngành kiến trúc?

Các công trình kiến trúc luôn liên quan trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt, làm việc/học tập thậm chí là tính mạng của con người. Thế nên ngành Kiến trúc cũng có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Nếu bạn muốn công tác trong ngành Kiến trúc, bạn sẽ cần có những phẩm chất sau đây:

  • Khả năng tư duy kết hợp cả nghệ thuật và kỹ thuật

Đây là yêu cầu quan trọng nhất, cũng là phần khó khăn nhất khi theo đuổi ngành Kiến trúc. Thông thường, chúng ta sẽ giỏi sáng tạo hơn hoặc giỏi tính toán hơn. Tuy nhiên, chỉ những người giỏi đều cả hai việc trên mới có thể xây dựng một bản thiết kế kiến trúc đạt chuẩn.

  • Có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi

Nhịp sống hiện đại mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người theo học ngành Kiến trúc, nhưng đồng thời cũng khiến sinh viên Kiến trúc đứng trước nhiều thách thức to lớn. Người làm trong ngành Kiến trúc cần trau dồi kiến thức và không ngừng đổi mới lối tư duy để trụ vững giữa thị trường bất động sản sôi động.

  • Có đam mê với nghề và có khả năng chịu áp lực cao

Vì tính chất đặc thù, các quý khách hàng không chấp nhận công trình kiến trúc của họ có bất cứ sai sót nào cả về mặt kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Nếu như bạn không có một tinh thần đầy nhiệt huyết cùng với thần kinh thép, bạn sẽ khó mà trụ vững với ngành Kiến trúc.

Học kiến trúc cần giỏi những môn gì?

Đây cũng là một câu hỏi gây nhiều trăn trở cho nhiều sĩ tử yêu thích ngành Kiến trúc trước thềm kỳ thi đại học. Có thể nói, các môn Mỹ Thuật chính là “gương mặt thương hiệu” khi nhắc đến ngành Kiến trúc. Tuy nhiên, khoa Kiến trúc của một số cơ sở đào tạo cũng xét tuyển các khối A, D và M, tạo điều kiện cho các bạn không có sở trường về môn Mỹ Thuật. Ngoài ra, các môn khác cũng không kém phần quan trọng bởi ngành Kiến trúc cũng yêu cầu khả năng tư duy logic (các môn KHTN), khả năng giao tiếp và làm việc nhóm (Ngữ Văn), khả năng đọc hiểu tài liệu nước ngoài (các môn Ngoại Ngữ).

Cơ hội việc làm dành cho ngành kiến trúc như thế nào?

Nếu những yêu cầu khắt khe và đầu vào “xa vời vợi” của ngành Kiến trúc khiến bạn nản lòng, thì cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ khiến bạn muốn thay đổi suy nghĩ. Những gì bạn nhận lại sẽ hoàn toàn xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Ngành Kiến trúc mang đến cho bạn thị trường việc làm rộng mở cùng với mức lương béo bở. Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu những vị trí bạn có thể ứng tuyển sau khi tốt nghiệp nhé.

  • Kiến trúc sư thiết kế nội thất
  • Kiến trúc sư thiết kế công trình kiến trúc
  • Giảng viên ngành Kiến trúc
  • Quản lý dự án công trình kiến trúc
  • Kỹ sư công trình
  • Kiến trúc sư cảnh quan
  • Các nhà quy hoạch đô thị/quy hoạch vùng

Mức lương của người làm kiến trúc là bao nhiêu?

Ngành Kiến trúc có mức thu nhập khủng không kém bất cứ ngành nghề nào. Nếu như bạn không ngừng nâng cao năng lực làm việc và khả năng sử dụng ngoại ngữ, thu nhập của bạn có thể tăng nhiều lần so với giai đoạn mới tốt nghiệp. Sau đây là mức lương tham khảo của một số vị trí trong ngành Kiến trúc:

  • Kiến trúc sư thiết kế nội thất – 20 triệu đồng/tháng
  • Kiến trúc sư thiết kế công trình kiến trúc – 35 triệu đồng/tháng
  • Giảng viên ngành Kiến trúc – 12 triệu đồng/tháng
  • Quản lý dự án công trình kiến trúc – 60 triệu đồng/tháng
  • Kỹ sư công trình – 30 triệu đồng/tháng
  • Kiến trúc sư cảnh quan – 35 triệu đồng/tháng

Sinh viên ngành kiến trúc được học gì?

Kiến trúc là một ngành học có vai trò thiết kế các công trình phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mọi người. Vì vậy bạn cần ít nhất là 5 năm học và 2 năm làm nghề thì lúc đấy mới trở thành một kiến trúc sư chuyên nghiệp. Vào năm đầu tiên, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức nền tảng như lịch sử, công nghệ, luật xây dựng. Bên cạnh đó, là các lý thuyết sơ lược và kỹ năng phân tích lẫn tính toán. Bắt đầu từ năm thứ hai, sinh viên sẽ được tiếp cận kiến thưucs chuyên ngành tùy vào lựa chọn của cá nhân. Lúc này, các bạn phải bắt đầu biết triển khai ý tưởng thành một bản dựng 3D hoàn chỉnh trên mặt giấy hoặc máy tính. Đồng thời sẽ được học thêm cách sử dụng một số phần mềm thiết kế để phục vụ cho công việc.

Kết luận

Có thể nói, kiến trúc sư là những người vừa sáng tạo vừa cẩn thận để có thể đưa ra bản thiết kế hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên, cho dù bạn không có cả 2 năng khiếu trên từ đầu, bạn vẫn có thể theo đuổi ngành Kiến trúc. Nếu bạn thực sự đam mê ngành Kiến trúc, bạn có thể tìm cách khai thác đồng thời sự lãng mạn và tính thực tế bên trong bạn qua quá trình học tập và làm việc. Đừng quá lo lắng về những điều như năng khiếu bẩm sinh, vì bạn có thể học được mọi thứ bạn muốn cùng với “học phí” chính là nỗ lực không ngừng nghỉ.

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *