Ở các nước phương Tây, báo chí đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 17. Hiệp hội Báo chí thế giới đã công nhận tờ báo đầu tiên được xuất bản trên thế giới là tuần báo Relation của Đức ra đời năm 1605. Tại Việt Nam, ngành báo chí phát triển muộn hơn rất nhiều. Phải đến cuối thế thứ 19 thì tờ báo đầu tiên của Việt Nam mới được ra mắt độc giả. Vậy tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam có tên gọi là gì? Ai là nhà báo đầu tiên của Việt Nam? Hãy cùng ReviewEdu khám phá điều đó trong bài viết dưới đây nhé!
Ai là nhà báo đầu tiên của Việt Nam?
Người Việt Nam đầu tiên xuất hiện với vai trò nhà báo là ông Trương Vĩnh Ký. Ông là một chính khách, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà ngôn ngữ học, nhà văn và nhà báo. Ông được báo chí phương Tây tôn vinh vì có tài năng nổi bật trong ngành ngôn ngữ học.
Từ giữa những năm 50 của thế kỷ 19, Trương Vĩnh Ký đã thông thạo đến hơn 20 ngôn ngữ và con số này vẫn tiếp tục tăng dần. Từ nhỏ, ông đã được ra nước ngoài và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Vì thế ông đã chọn cách học ngôn ngữ để giao lưu và hòa nhập với bạn bè quốc tế. Ông là thành viên thứ 18 của hội “Savants du Monde”. Một hội có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, văn học Pháp.
Sơ lược về cuộc đời của nhà báo đầu tiên của Việt Nam
Trương Vĩnh Ký có tên lúc nhỏ là Trương Chánh Ký, hiệu là Sỹ Tải. Ông từ bé đã rất thông minh lanh lợi, mới 3 tuổi đã thuộc Tam kinh tự; 4 tuổi đã biết đọc biết viết. Khi ông lên 5 tuổi đã được cha mẹ cho đến trường học chữ Nho chữ Nôm với thầy giáo Học. Sau vài năm học tập với thầy Giáo, Trương Vĩnh Ký đã hiểu thông Minh Tâm Bửu Giám. Ông thuộc rất nhiều thơ Đường, thơ Tống.
Sau khi cha của Trương Vĩnh Ký qua đời. Mẹ ông đã cho ông cải đạo theo Thiên chúa Giáo. Vì thấy ông thông minh lại ngoan ngoãn, một nhà truyền giáo tên là Cố Tám đã dạy cho cậu bé Trương Vĩnh Ký chữ Latin, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Năm 1848, Trương Vĩnh Ký được xuất ngoại đến chủng viện Pinhalu tại Campuchia để học tập. Nhờ chăm chỉ học hành, ông đã trở thành thủ khoa khóa học và được chọn đi học tại Malaysia. Năm 1874, Trương Vĩnh Ký đã được công nhận là “nhà bác học về ngôn ngữ” và được ghi tên vào Tự điển Larousse.
Sự ra đời của tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ
Năm 1865, học giả Trương Vĩnh Ký trở về Việt Nam. Quyền thống đốc Nam Kỳ khi đó là Roze đã mời ông ra làm quan tại sở Pháp. Tuy nhiên, Trương Vĩnh Ký đã khước từ; và xin lập ra một tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ mang tên “Gia Định báo”. Roze đã chấp thuận yêu cầu của ông. Quyết định xuất bản báo được đặt bút ký vào ngày 1 tháng 4 năm 1865. Trương Vĩnh Ký trở thành nhà báo đầu tiên của Việt Nam viết báo bằng chữ Quốc ngữ.
Số đầu tiên của “Gia Định báo” ra mắt công chúng vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. “Gia Định báo” lưu hành trong phạm vi 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian đầu, tờ báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Những số báo đầu tiên có 4 trang và được phát hành 4 kỳ một tháng.
Vai trò của “Gia Định báo” trong xã hội Việt Nam lúc đó
Nội dung chính của báo chia làm hai mục là công vụ và tạp vụ. Mục công vụ chuyên viết về các vấn đề chính trị, công quyền, pháp lý và đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo luật của chính quyền thực dân. Mục tạp vụ gồm các tin tức địa phương thuộc các lĩnh vực kinh tế, tôn giáo, văn hóa – xã hội… Báo chí lúc này vẫn còn là một phương tiện thông tin rất mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự ra đời của “Gia Định báo” đã giúp cho tiếng Việt mới phổ biến hơn trong quần chúng nhân dân.
Tờ báo Tiếng Việt đầu tiên của tư nhân
So với báo tiếng Việt của nhà nước, báo tiếng Việt của tư nhân ra đời muộn hơn nhiều. Cuối thế kỷ XIX, ở Sài Gòn chỉ mới xuất hiện 3 tờ báo tiếng Việt tư nhân: Nam Kỳ báo, Thông loại khóa trình, Phan Yên báo. Tờ Nam Kỳ báo của Alfred (người Pháp), còn hai tờ kia của tư nhân Việt Nam.
Trong Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1930 (Tủ sách Trí Đăng, Sài Gòn, 1973); Huỳnh Văn Tòng cho rằng Phan Yên báo của Diệp Văn Cương ra đời năm 1868; là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của tư nhân và là tờ báo thứ hai sau Gia Định báo. Nhưng trong Văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1865-1930 (Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1992). Bằng Giang đã chứng minh rõ rằng Phan Yên báo ra đời năm 1898; đình bản năm 1899 và cả ba tờ báo tiếng Việt tư nhân đều ra đời sau đạo luật về báo chí của Nhà nước Pháp ban hành tại thuộc địa Nam Kỳ (ngày 22/9/1881) theo thứ tự là: Thông loại khóa trình, Nam Kỳ báo, Phan Yên báo. Như vậy, Thông loại khóa trình là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của tư nhân.
Kỷ lục báo chí Việt Nam
Tờ báo quốc ngữ đầu tiên
Khai sinh sớm nhất trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là tờ Gia Định báo (phát hành số đầu ngày 15/4/1865). Tờ báo tổng hợp này có khổ 25 x 32cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm.
Tờ báo Cách mạng đầu tiên
Tuần báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập rồi trực tiếp chỉ đạo. Trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Số báo đầu tiên phát hành ngày 21/6/1925.
Tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên
Đó là nguyệt san Thông loại khóa trình (báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) do Trương Vĩnh Ký chủ trì. Tờ báo có khổ 16×23,5cm, ra số đầu vào tháng 5/1888.
Tờ nhật báo đầu tiên
Bốn năm sau khi thành lập, báo Trung Bắc Tân văn ở Bắc Kỳ tăng dần số phát hành và trở thành nhật báo (báo ra hàng ngày) đầu tiên.
Tờ báo Phụ nữ đầu tiên
Báo Nữ giới chung (tiếng chuông của giới nữ) xuất bản vào thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn trong năm 1918 là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ. Số 1 của nó ra ngày 1/2/1918.
Tờ báo kinh tế đầu tiên
Báo Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) có khổ 20x30cm. Ra số đầu vào ngày 1/8/1901, phát hành thứ Năm hàng tuần tại Sài Gòn.
Nữ tổng biên tập đầu tiên
Danh hiệu này thuộc về Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), bút danh là Sương Nguyệt Ánh. Con gái thứ 4 của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; quê ở Ba Tri, Bến Tre.
Khổ báo nhỏ nhất, lớn nhất
Khuôn khổ báo (chính thức) nhỏ nhất là tờ Công Nông binh của Tỉnh ủy Hà Tĩnh; xuất bản trong những năm 1930-1931 với kích thước 13x19cm. Tờ Lao tù Tạp chí do Chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò bí mật thực hiện. Viết bằng mực tím, dày 14 trang, chỉ ra được 3 số vào năm 1932 thì bị địch phát hiện và ngăn cấm, chỉ có kích thước 10x8cm.
Khuôn khổ lớn nhất là nhật báo Người Việt phát hành tại Sài Gòn trong năm 1971, với kích thước 49x84cm.
Báo tồn tại ngắn nhất, lâu nhất
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có một số tờ báo tồn tại rất ngắn: chỉ xuất bản 1 số rồi đình bản; như tạp chí giáo dục và thương mại mang tên Á-Âu phát hành tại miền Nam, chỉ ra được 1 số duy nhất ngày 1/1/1942. Ngược lại có nhiều tờ báo tồn tại liên tục nhiều chục năm – điển hình là báo Lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Báo có số phát hành mỗi kỳ nhiều nhất
Chưa báo hoặc tạp chí Việt Nam nào vượt được kỷ lục về số lượng phát hành mỗi kỳ của Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: xuất bản 2 kỳ/tuần, mỗi kỳ không dưới 420.000 tờ và một đặc san/tuần với số lượng khoảng 80.000 bản/kỳ.
Tên báo ngắn nhất, dài nhất
Tuần báo Em xuất bản tại Sài Gòn trong năm 1948 có lẽ là tờ báo có tên ngắn nhất (vì chỉ gồm 2 chữ cái, không dấu). Kỷ lục ngược lại thuộc về một tạp chí kinh tế đối ngoại hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải mang tên Thương mại và Hợp tác quốc tế Giao thông Vận tải (gồm 38 chữ cái, 8 dấu).
Tờ báo hài hước đầu tiên
So với những lĩnh vực khác, báo chí trào phúng ít hơn và ra đời muộn hơn. Tờ báo hài hước đầu tiên của Việt Nam mang tên Con Ong, phát hành ngày thứ Tư hàng tuần tại Hà Nội trong những năm 1939-1940.
Trang quảng cáo trên báo sớm nhất
Khó thể biết chính xác mẩu quảng cáo đầu tiên xuất hiện khi nào trong lịch sử báo chí Việt Nam, nhưng chắc chắn trang quảng cáo sớm nhất hiện diện đầu năm 1882. Ở số báo thứ 1 của năm 1882, Gia Định báo dành toàn bộ trang cuối để đăng quảng cáo cho Nhà thuốc Pharmacie Reynaud.
Lời kết
Báo Gia Định là tờ báo đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ tạo Việt Nam. Sự xuất hiện nó đã mở đường cho phong trào báo chí cách mạng của các văn sĩ yêu nước sau này. Hy vọng thông qua bài viết này, quý bạn đọc đã biết được ai là nhà báo đầu tiên của Việt Nam. Hãy theo dõi chúng tôi để có thêm những kiến thức bổ ích nhé.
Xem thêm
- Giải đáp thắc mắc: Phích nước được phát minh bởi ai?
- Ấn Độ ở đâu? Ai là người tìm ra Ấn Độ? Những điều thú vị về đất nước này?
- Ai đã phát minh ra bom nguyên tử – vũ khí đáng sợ nhất thế giới?
- Ai là người đã phát minh ra bóng đèn điện thắp sáng cả thế giới
- Thuyết vạn vật hấp dẫn là gì? Thuyết vạn vật hấp dẫn là phát minh của ai?