Hướng dẫn ôn thi Hóa THPT Quốc gia đạt điểm cao

ôn hóa thi thpt quốc gia

Để bước vào kì thi THPT Quốc gia cần nắm vững kiến thức trọng tâm. Dưới đây là vài cách giúp thí sinh ôn thi Hóa THPT Quốc gia. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia. Các bạn có hướng ôn tập và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi sắp tới.

Những kiến thức ôn thi Hóa THPT Quốc gia cần chú ý

Hóa học vô cơ

Cacbon-Silic (chiếm khoảng 1-2 câu):

 Các chuyên đề này chứa nhiều lý thuyết và đây cũng là phần dễ trong đề thi, sẽ rơi vào phần nhận biết. Các sĩ tử lưu ý nắm kiến thức cơ bản trong SGK để không bị mất điểm đáng tiếc.

Sự điện ly (chiếm khoảng 1 – 2 câu): 

Các chuyên đề này có nhiều câu hỏi về lý thuyết ở mức độ thông hiểu, một số ít câu hỏi tính toán ở mức vận dụng cao. Lưu ý rằng phần kiến thức này có nhiều nội dung gắn liền với thực tế cuộc sống và thực hành thí nghiệm. Nên học sinh cần học lý thuyết gắn liền với thực hành và thực tế.

Đại cương kim loại (3 – 5 câu):

Chuyên đề có nhiều câu liên quan đến tính chất, bài tập tính toán, các câu hỏi bắt đầu có tính phân loại và sẽ được chia đều số câu đảm bảo đủ 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Sắt và Crom – Hợp chất của nó (2 – 3 câu): 

Chuyên đề này có tỉ lệ câu hỏi lý thuyết và bài tập với số lượng 50/50. Các câu sẽ rơi vào mức độ nhận biết từ 1-2 câu và 1 câu vận dụng dạng bài tập tính toán. Ở dạng này, câu hỏi không hề khó, các bạn chú ý nắm chắc nội dung bài học trong SGK, luyện tập các các dạng bài tập cơ bản.

Kim loại kiềm – Kiềm thổ – Nhôm (4 – 6 câu):

 Chuyên đề tổng hợp này sẽ giúp các bạn lấy điểm ở câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu, dạng bài tập không quá khó nên các bạn nắm chắc các tính chất cũng như dạng bài tập tính toán để lấy điểm phần này.

Hóa học hữu cơ

Đại cương hóa học hữu cơ hidrocacbon (2 – 3 câu):

Các câu hỏi này ở mức độ thông hiểu và vận dụng. Do đó, các bạn chỉ cần nắm chắc lý thuyết và một số dạng bài trong SGK và sách bài tập là có thể tự tin giành trọn điểm số.

Ancol-phenol, andehit, axit cacboxylic (3 – 8 câu):

 Để làm tốt bài tập thuộc phần này, các bạn ngoài việc học lý thuyết cần làm lại đến thành thạo các dạng bài tập đã từng xuất hiện trong đề thi ĐH-CĐ những năm trước đây.

Este-lipit, amin, amino axit, protein (6 – 8 câu):

Các chuyên đề này có nhiều câu hỏi tính toán ở mức độ vận dụng, vận dụng cao. Dù vậy, các bạn vẫn có thể dễ dàng lấy điểm ở các câu hỏi nhận biết và thông hiểu, qua các câu hỏi bám sát nội dung sách giáo khoa. Đặc biệt, xu hướng xuất hiện các dạng bài tập liên quan đến tìm công thức este… sẽ có nhiều dạng bài khó mới xuất hiện cho chuyên đề này.

Cacbonhidrat và polime (2 câu): 

Các câu đã từng ra ở chuyên đề này ở mức độ dễ. Các sĩ tử chỉ cần nắm được tính chất, công thức, và tên gọi cũng như một số dạng bài khá đơn giản về Cacbohidrat và polime trong SGK và SBT là có thể hoàn thành tốt.

Tổng hợp hoá hữu cơ, vô cơ (1-2 câu): 

Có nhiều câu hỏi dạng bài tập hỗn hợp các chất hữu cơ và nằm ở mức độ khó đến cực khó. Ngoài ra, cũng có một số ít câu lý thuyết tổng hợp ở mức độ trung bình và dễ nên việc ôn tập cần đầy đủ các phần, tránh mất điểm ở những câu dễ.

Hình vẽ thí nghiệm

Câu hỏi sẽ có thể xuất hiện 1 câu trong đề thi ở mức vận dụng. Ở chuyên đề này các bạn cần nắm chắc tính chất hóa học các chất, nắm chắc các hiện tượng hóa học điều chế để vận dụng làm tốt dạng bài tập này.

Bài toán đô thị

Những năm gần đây trong đề thi liên tục xuất hiện các dạng bài tập đồ thị, được phát triển từ các dạng bài tập vô cơ, để có thể nắm rõ chuyên đề này, các bạn có thể tham khảo các đề thi Đại học đã ra các năm trước.

Phân biệt và nhận biết

Chuyên đề này sẽ xuất hiện (2-3 câu) chia ở các mức độ khác nhau, các bạn chú ý nắm chắc các tính chất, màu sắc đặc trưng của từng chất các nhóm chất tính chất đặc trưng để có thể làm tốt dạng bài tập này, để không bị mất điểm.

15 Mục lý thuyết học sinh dễ mắc sai lầm nhất 

1. Các chất; ion tác dụng được với axit và bazơ

  •  Ion: HCO3, H2PO4, HPO42-, HS, H2NRCOO,
  •  Oxit: Al2O3, ZnO, BeO, Cr2O3.
  • Hiđroxit: Al(OH)3, Zn(OH)2, Be(OH)2, Pb(OH)2, Sn(OH)2, Cr(OH)3.
  •  Kim loại: Al, Zn, Be, Pb, Sn

2. Những chất tác dụng được với kiềm đặc, nóng

  • Oxit: Cr2O3, SiO2, SnO2.
  • Đơn chất: Si, Pb, Sn.
  • Tất cả các chất tác dụng được với kiềm loãng.

Chú ý: Cr KHÔNG TÁC DỤNG với NaOH ở mọi điều kiện.

3. Các ion tan được trong dung dịch NH3 dư: Ag+, Ni2+, Cu2+, Zn2+.

4. Những kết tủa tan được trong axit mạnh (HCl, H2SO4)

  • Muối của axit yếu: CaCO3, BaCO3, CaSO3, BaSO3, Ag3PO4, BaCrO4.
  • Muối sunfua: FeS, MnS, BaS, Na2S, K2S, Al2S3
  •  Ag2C2, Al4C3

5. Tác dụng với nước ở điều kiện thường

  • Kim loại kiềm: Na, K.
  • Kim loại kiềm thổ: Ba, Ca.
  • Oxit: Na2O, K2O, CaO, BaO, Al2O3, SO2, SO3, CO2, CrO3, N2O5, P2O5, Cl2O7,…
  • Phi kim: Cl2

Chú ý: Fe, Mg chỉ tác dụng với hơi nước ở nhiệt độ cao.

6. Mạng tinh thể kim loại

  • Các kim loại có kiểu mạng lục phương: Mg, Be, Zn.
  • Lập phương tâm diện: Ca, Sr, Al, Cu
  • Lập phương tâm khối: Li, Na, K, Rb, Cs, Ba, Cr.
  • Chú ý: Đối với Fe, có 2 kiểu mạng tinh thể: lập phương tâm khối và lập phương tâm diện.
  • Các chất có kiểu mạng tinh thể nguyên tử: kim cương, SiO2.
  • Các chất có kiểu mạng tinh thể phân tử: I2, H2O, P trắng, nước đá khô,…
  • Các chất có kiểu mạng tinh thể ion: NaCl, KCl,…

7. Liên kết hóa học

  • Những chất trong phân tử có liên kết ion: NaCl, KCl, Na2O, K2O, CaO, BaO…
  • Những chất trong phân tử có liên kết cộng hóa trị phân cực: HF, HCl, HBr, HI, SO2, AlCl3, CaS, MgCl2, NH3, H2O,….
  • Những chất trong phân tử có liên kết cộng hóa trị không phân cực là: Đơn chất khí (O2, N2, Cl2, F2…), CO2, NO,…

8. Màu sắc kết tủa

  • AgCl: trắng, AgI: màu vàng đậm, AgBr: màu vàng, Ag2CrO4: màu đỏ gạch, Cu2O: màu đỏ gạch, BaCrO4: màu vàng tươi, BaCr2O7: màu da cam, BaC2O4: màu trắng, CuS: màu đen, Ag2S: màu đen, CdS: màu vàng, MnS: màu hồng, NiS: màu xanh, Ni(OH)2: màu xanh lá cây, Ag3PO4: màu vàng…

Chú ý: Kết tủa hữu cơ của phenol, anilin

  • Phenol + Br2 → Kết tủa trắng
  • Phenol + HNO3→ Kết tủa vàng
  • Anilin + Br2 → Kết tủa trắng

9. Cân bằng hóa học

Cho cân bằng phản ứng: aA + bB → cC + dD

  • Tăng [A] hoặc [B], hoặc giảm [C] hoặc [D] → cân bằng chuyển dịch theo chiều thuận.
  • Giảm [A] hoặc [B], hoặc tăng [C] hoặc [D] → cân bằng chuyển dịch theo chiều nghịch.
  • Tăng áp suất → cân bằng chuyển dịch theo chiều giảm mol khí; giảm áp suất: Ngược lại.

∆H < 0 → Phản ứng tỏa nhiệt, ∆H > 0 → phản ứng thu nhiệt (Tăng – thu, giảm – tỏa hay Âm – tỏa, dương – thu);

10. Phân bón hóa học

  • Phân lân: cung cấp cho cây trồng dưới dạng ion PO43-, được đánh giá bằng hàm lượng P2O5.
  • Phân đạm: cung cấp cho cây trồng dưới dạng ion NH4+ hoặc NO3-, được đánh giá bằng hàm lượng %N có trong phân.
  • Phân kali: cung cấp cho cây trồng dưới dạng ion K+, được đánh giá bằng hàm lượng %K2O có trong phân.
  • Chú ý: Công thức 1 số loại phân bón thường gặp: Phân đạm 1 lá: NH4Cl, (NH4)2SO4.
    Phân đạm 2 lá: NH4NO3.
  • Phân ure: (NH2)2CO. Hòa tan ure vào nước: (NH2)2CO + H2O → (NH4)2CO3, phản ứng thu nhiệt.
  • Amophot: NH4H2PO4 và (NH4)2HPO4.
  • Nitrophotka: (NH4)2HPO4 và KNO3.
  • Thành phần chính của tro bếp: K2CO3.

Ca(H2PO4)2: supephotphat kép

Ca(H2PO4)2 + CaSO4: supe photphat đơn….

Bí quyết đạt điểm cao môn Hóa trong kỳ thi THPT Quốc gia

Nắm vững lý thuyết hóa học

 Khi học cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách quy nạp để ghi nhớ. 

  • Với lý thuyết hữu cơ, chúng ta hãy xét khả năng phản ứng của một chất dựa trên đặc điểm cấu tạo của nó bằng cách đặt câu hỏi để tổng kết, ví dụ: Chất hữu cơ nào có khả năng tham gia phản ứng hiđro hóa ? Thay vì nêu anken, ankin anđehit,…ta chỉ cần nhớ đó là hợp chất có ít nhất một trong các dấu hiệu: với mạch cacbon thì có liên kết p, có vòng 3 hay vòng 4; với nhóm chức thì chứa chức anđehit –CH=O, xeton (dĩ nhiên là có bỏ qua một vài trường hợp đặc biệt như axit fomic và dẫn xuất của nó).
  • Với lý thuyết vô cơ, quan trọng nhất là chính xác hóa phản ứng sẽ xảy ra ở điều kiện nào (nhiệt độ thường hay cần đun nóng, đặc hay loãng, trạng thái rắn hay khí…). Trong tình huống này, SGK là người bạn đồng hành tin cậy nhất; hãy giở SGK để lượm nhặt các phản ứng. Cần tổng kết các tính chất hóa học quan trọng và sự khác biệt giữa chúng có điểm đặc biệt gì.

Các bạn nên lập bảng tổng kết về các ứng dụng của những hóa chất quen thuộc, cách điều chế chúng trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp.Và không nên quên học thuộc công thức hoặc thành phần của các loại quặng, khoáng chất có trong SGK và tên các hợp chất hữu cơ.

Nắm vững các phương pháp giải hóa

Trong bài thi thường có hai loại bẫy: Thứ nhất bẫy lý thuyết thuộc về phản ứng hóa học, phân tích thuật ngữ, và cả trạng thái tồn tại của các chất. Thứ hai bẫy về kỹ thuật xử lý số liệu là các phương pháp tính toán theo: bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, tăng – giảm khối lượng, bảo toàn electron, tính chất trung hòa điện của dung dịch, bán phản ứng, quy tắc hóa trị tương đương, phương pháp quy đổi, phương pháp trị số trung bình…

Bản chất của phương pháp và bài toán đơn cho mỗi phương pháp tương đối đơn giản, các em chỉ cần đọc ví dụ của mỗi loại là đã nắm vững. Với các bài toán thuộc loại dễ, chỉ cần dùng dùng quan hệ mol ở phản ứng hoặc một trong những phương pháp trên là giải ra kết quả, và như thế các em đã giải được đa số bài toán về định lượng.

Với bài toán khó hơn (số lượng không nhiều) thì cần phối hợp nhiều phương pháp, nên việc luyện tập thường xuyên sẽ nắm được cách thức làm, nếu bạn chưa nắm vững được các phương pháp làm thì cần tránh những câu có dấu hiệu như Đề dài (5-7 dòng), đọc qua thấy quá nhiều phản ứng xuất hiện, mù mờ vì không biết có những phản ứng nào có thể xảy ra (phải biện luận chất dư)…

Đặc biệt, khi tính toán theo H+; dùng bán phản ứng oxi hóa – khử, các bạn đừng quên phản ứng của H+ theo phản ứng axit – bazơ và quên lượng H+ được tạo thêm khi có liên quan tới chất khử có chứa S và các bài toán tổng hợp hữu cơ thì nên dùng phản ứng của nhóm chức mà không nên đặt nặng về công thức.

Rèn kỹ năng tính toán nhanh và phản xạ tư duy

Giai đoạn đầu các em nên phân chia theo từng chủ đề để học, nhớ học kỹ lý thuyết, công thức, dạng bài tập. Khi đó các em sẽ thấy sự liên quan móc xích giữa các chủ đề với nhau. Trước kỳ thi 3 tháng nên ôn đề tổng hợp để có cái nhìn bao quát chương trình hơn.

Có điều kiện, các em hãy làm thật nhiều bài tập trắc nghiệm online để rèn luyện khả năng tư duy, chắc chắn sau 1 thời gian các em sẽ phản xạ nhanh hơn với các câu hỏi và bài tập. Ngoài ra hãy học tốt thêm môn Toán, vì Toán học sẽ bổ trợ cho môn Hóa rất nhiều kỹ năng tính toán nhanh, chính xác, tiết kiệm thời gian.

Thi hóa trắc nghiệm cần nhanh và chính xác

Các câu hỏi đều có điểm số như nhau, không phân biệt câu hay, dở, dễ, khó… nên đừng mang tính “chinh phục” vào việc làm bài thi như khi học dẫn đến mất thời gian làm câu khó. Do đó hãy làm các câu hỏi lý thuyết trước, làm câu định lượng sau.

Với các câu hỏi “Đúng – Sai” nếu không chắc chắn ý nào chính xác thì nên dùng phương pháp loại trừ trên đáp án.

Việc xử lý số liệu thô nên thực hiện ngay trên tờ đề thi, trong khi sơ đồ định hướng cách giải nên ghi rõ ràng trên nháp để đủ chỗ theo dõi, sẽ giúp bạn khi bị bế tắc hay sai lầm ở công đoạn nào cũng dễ dò ra.

Không dành cho câu định lượng nào quá 5-6 phút, nên đọc lướt các câu định lượng để chọn nhanh dạng quen thuộc, nếu thấy được bẫy cài phản ứng trên cơ sở lý thuyết và định hướng được cách xử lý thì hãy bắt tay làm cụ thể.

Tích lũy kinh nghiệm làm bài thi

Các bạn có thể học thêm các dạng bài tập hóa học, các bài kiểm tra theo chuyên đề hoặc khóa học trên mạng để tự ôn luyện. Sau đó, luyện tập bằng cách làm các dạng bài tập đã từng xuất hiện trong đề thi CĐ – ĐH những năm trước đây, và các đề thi thử của các trường, Sở được phát triển từ đề minh họa. Từ đó các bạn có thể học hỏi và tìm ra cách làm bài sáng tạo rút ngắn thời gian làm bài theo cách truyền thống.

Đánh giá đúng khả năng của bản thân

Ở trên lớp các bạn nên chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ và học hỏi từ thầy cô bạn bè những kiến thức hay và mới lạ. Bài nào không hiểu các em nên mạnh dạn hỏi, tránh dấu dốt sẽ dẫn tới việc mất gốc kiến thức dần dần. 

Cấu trúc đề thi THPT Quốc gia môn Hóa năm 2023

Môn Hóa học trong kỳ thi THPT Quốc gia 2023 cũng bao gồm 40 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm. Cấu trúc kiến thức từ lớp 10, lớp 11 và 12. Cụ thể kiến thức 12 (37 câu), kiến thức 11 (2 câu) và kiến thức lớp 10 (1 câu). Chi tiết các mức độ câu hỏi như bảng dưới đây:

Các dạng bài

Nhận biết Thông hiểu VD thấp VDC

Tổng

Sự điện li 0 1 0 0 1
Cacbon – silic 1 0 0 0 1
Đại cương hóa hữu cơ và Hidrocacbon 0 1 2 0 3
Ancol – Phenol 0 0 1 0 1
Andehit – Axitcacboxylic 0 0 0 1 1
Este – Lipit 1 0 3 1 5
Cacbohidrat 0 1 1 0 2
Amin, aminoaxit, Peptit, Protein 1 1 0 1 3
Polime 1 1 0 0 2
Đại cương kim loại 1 1 1 2 5
Kim loại kiềm, kiềm thổ và nhôm 2 1 2 1 6
Sắt và Crom – Hợp chất của chúng 2 0 1 0 3
Phân biệt – Nhận biết 1 0 2 0 3
Tổng hợp hóa hữu cơ/ vô cơ 1 0 1 0 2
Hình vẽ thí nghiệm 0 0 1 0 1
Bài toán đồ thị 0 0 1 0 1

Kết luận

Môn hóa với một lượng kiến thức lớn, để ôn tập tốt các bạn cần có kế hoạch cụ thể từng phần để để ôn tập. Hy vọng bài viết chia sẻ trên sẽ giúp các bạn rút ra được những phần nên học và luyện tập tốt hơn. Chúc các sĩ tử thi tốt trong kỳ thi THPT sắp tới! 

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *