Ngành ngân hàng vẫn luôn giữ được một sự thu hút nhất định đối với phần lớn các sinh viên hiện nay. Với công việc ổn định và cũng có đôi chút “sang chảnh” mà nó mang lại. Các bạn sinh viên luôn coi ngân hàng là mục tiêu sự nghiệp tương lai mà mình hướng tới. Vậy để có thể làm việc tại ngân hàng cần học những gì? Có những yêu cầu gì? Bài viết dưới đây ReviewEdu sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc trên cho bạn.
Học ngành gì để làm nhân viên ngân hàng?
Nhiều bạn khi nghe tới nhân viên ngân hàng hay ngành ngân hàng sẽ nghĩ đến việc làm nhân viên giao dịch nhưng thực chất, đội ngũ nhân viên ngân hàng gồm rất nhiều ngành nghề phía trong. Bạn có thể học về Kế toán, Marketing, Kinh doanh, PR, Luật, Nhân sự… đều có thể nộp đơn xin việc vô ngân hàng nổi tiếng với môi trường tốt.
Tuy nhiên, khối ngành Tài chính – Ngân hàng vẫn là sự ưu tiên hàng đầu.
Muốn làm việc tại ngân hàng cần học những gì?
Muốn làm việc tại ngân hàng, sinh viên được trang bị các môn học từ nền tảng cơ bản đến chuyên sâu về ngành như: Kinh tế vi mô; Kinh tế vĩ mô; Lý thuyết tài chính tiền tệ; Tài chính doanh nghiệp; Tài chính quốc tế; Ngân hàng thương mại; Thị trường chứng khoán; Kế toán doanh nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cũng được cung cấp các môn học bổ trợ liên quan đến ngành nghề như Luật tài chính, Luật ngân hàng, Hệ thống tài chính Việt Nam, Hệ thống ngân hàng Việt Nam,…
Sinh viên ngân hàng sẽ được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng nhu cầu của công việc như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, làm việc theo nhóm…
Bên cạnh đó còn chú trọng đến việc đào tạo tiếng Anh; thực tập nghề tại các ngân hàng; tổ chức tài chính. Nhằm đảm bảo cho sinh viên có cơ hội phát triển toàn diện. Trở thành cá thể nổi trội khi hòa nhập vào môi trường làm việc đầy năng động và giàu tính cạnh tranh này.
Những yêu cầu đối với sinh viên học ngân hàng là gì?
Có khả năng tính toán, tư duy logic và trí nhớ tốt
Làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đồng nghĩa với việc bạn luôn tiếp xúc với hàng loạt các con số và vô vàn các tính toán phức tạp. Do đó, việc học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán chính là tố chất quan trọng cần có của người học. Bạn cũng cần có một trí nhớ tốt bên cạnh khả năng phân tích và đánh giá nhanh nhạy để giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến quản lý, đầu tư sử dụng vốn.
Trung thực, cẩn trọng, chính xác
Trung thực là đức tính cần có, là tôn chỉ hàng đầu ở người làm tài chính ngân hàng. Đây là lĩnh vực khá nhạy cảm nên bạn phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác trong công việc, chỉ cần một sai số nhỏ, bạn sẽ phải đối diện với những hậu quả khó lường.
Có sự đam mê, sáng tạo, năng động
Hoạt động trong lĩnh vực này đòi hỏi bạn phải có sự đam mê các công việc liên quan đến tiền. Niềm đam mê rất quan trọng, vì đam mê chính là chất xúc tác hiệu quả của quá trình sáng tạo. Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi bạn phải linh hoạt trong giao tiếp, nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý để giới thiệu dịch vụ, thuyết phục khách hàng… do đó nếu có tính năng động thì người học sẽ rất thành công với ngành này.
Có khả năng giao tiếp tốt
Với một nhân viên làm về tài chính ngân hàng giỏi, đây chính là yếu tố được coi trọng. Với công việc thường xuyên giao dịch, đàm phán với khách hàng và các doanh nghiệp, nhân viên ngân hàng cần biết nắm bắt tâm ký khách hàng, thuyết phục được đối tác để đạt được hiệu quả công việc tối ưu bên cạnh kiến thức chuyên môn vững chắc.
Giỏi ngoại ngữ và tin học
Là một trong những yêu cầu quan trọng, luôn xuất hiện trong danh sách các yêu cầu tuyển dụng của lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bất kỳ nghiệp vụ nào của ngành ngân hàng cũng đòi hỏi biết sử dụng thành thạo máy tính. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng thì yếu tố ngoại ngữ càng đóng vai trò rất quan trọng.
Rèn luyện các kỹ năng làm tại ngân hàng ở đâu?
Bạn đang lo lắng không biết phải rèn luyện các kĩ năng để xin việc tại ngân hàng thành công ở đâu? Đừng bỏ lỡ các kênh thông tin bổ ích như:
- Bạn có thể trau dồi các kiến thức chuyên môn qua việc đọc sách như: Giả kim thuật tài chính (George Soros), Trên đỉnh phố Wall (Peter Lynch) , Phân tích chứng khoán (Benjamin Graham và David L. Dod) , Nhà đầu tư thông minh ( Benjamin Graham), Biên độ an toàn (Seth Klarman), Quản trị rủi ro trong ngân hàng (Joel Bessis), Quản trị các chế định tài chính (Saunders)…Ngoài ra để phục vụ cho công việc bạn cũng nên tham khảo một số cuốn sách hay về dịch vụ như: Những đòn tâm lý trong thuyết phục, Nghệ thuật giao tiếp thành công, Nâng tầm dịch vụ…
- Ngoài ra bạn cũng có thể tham gia một số khóa học hay về tài chính ngân hàng như: UB Academy, VietNam Banker, Future Bankers, Vietvictory, Viện Fmit…
- Các cộng đồng về ngân hàng lớn hiện nay như: ub.com.vn, dannganhang.vn, bankers.vn, vietnambankers.com.vn/forums/…
- Đặc biệt bạn có thể tham gia một số cuộc thi hay tìm kiếm cơ hội thực tập tại các ngân hàng để tích lũy kinh nghiệm như: VietinBank, BIDV, VIB, Agribank, ACB, Tecombank, MBBank…
Kết luận
Trên đây là một số thông tin về việc làm ngân hàng cần học những gì cần thiết cho những bạn quan tâm và muốn theo đuồi ngành này. ReviewEdu hi vọng bài viết này sẽ phần nào hữu ích trong việc lựa chọn ngành nghề tương lai của chính các bạn.
Xem thêm:
Review Đại học Văn Lang cơ sở 2 có tốt không? Cơ sở vật chất như thế nào?
Review Đại học lao động xã hội cơ sở (ULSA) 2 có tốt không? Cơ sở vật chất như thế nào?
Review Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 có tốt không? Những bí mật đặc biệt về sinh viên của Trường
Phản ứng đặc trưng của anken là gì? Cấu tạo hóa học, tính chất và cách điều chế của anken