Các bộ phim điện ảnh, truyền hình đã và đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Bạn có biết làm thế nào để tạo nên những thước phim hấp dẫn đến như vậy không? Nếu bạn thực sự tò mò về điều này, hãy cùng tìm hiểu ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình trong bài viết dưới đây. Bởi ngành này sẽ mang đến cho bạn những kiến thức mới lạ về điện ảnh, truyền hình, cũng như đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên.
Ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình là gì?
Ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình là ngành kết hợp giữa lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số và lĩnh vực nghệ thuật. Ngành này cung cấp các kiến thức kỹ thuật, kỹ xảo về hình ảnh động, xây dựng kịch bản cho hoạt cảnh, quy trình công nghệ sản xuất phim. Bằng cách ứng dụng các thiết bị, phương pháp ghi lại, tái tạo các hình ảnh động và hiệu ứng âm thanh để tạo nên những cảnh phim đắt giá.
Theo học ngành này, người học sẽ có các kiến thức chuyên môn cao về thiết kế phim hoạt hình 2D, 3D; sử dụng, khai thác các phần mềm máy tính chuyên dụng trong lĩnh vực mỹ thuật truyền thông đa phương tiện. Ngoài ra, sinh viên còn có những trải nghiệm thú vị trong việc xử lý background, vẽ diễn xuất, layout 2D – 3D, xử lý hòa âm, hiệu ứng ánh sáng cho phim và kỹ xảo điện ảnh.
Các khối thi vào ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình là gì?
Bạn có thể xem xét đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp môn sau:
- Khối S00: Ngữ văn, Năng khiếu SKĐA 1, Năng khiếu SKĐA 2
- Khối S01: Toán, Năng khiếu 1, Năng khiếu 2
- Khối H00: Ngữ văn, Năng khiếu vẽ nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ nghệ thuật 2
- Khối H01: Toán học, Ngữ văn, Vẽ
- Khối V00: Toán học, Vật lý, Vẽ hình họa mỹ thuật
- Khối V01: Toán học, Ngữ văn, Vẽ hình họa mỹ thuật
Điểm chuẩn ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình là bao nhiêu?
Trong những năm qua, điểm trúng tuyển ngành này luôn ở mức trung bình. Điểm chuẩn ngành này dao động trong khoảng từ 13,5 – 15 điểm. Đây được xem mức điểm khá dễ cho những bạn có đam mê và mong muốn theo đuổi ngành này.
Các trường nào đào tạo ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình?
Nếu bạn có nguyện vọng theo học ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình, các bạn có thể đăng ký thi tuyển vào các trường sau:
- Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Các chuyên ngành thuộc ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình là gì?
Chuyên ngành Công nghệ dựng phim
Chuyên ngành Công nghệ dựng phim cung cấp kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật dựng phim, xử lý tín hiệu số video và audio, quy trình công nghệ sản xuất điện ảnh, truyền hình, nghiệp vụ đạo diễn, đồ họa. Sinh viên sẽ được thực hành chiếu sáng, ghi hình, ghi âm tại trường quay và phòng dựng trên các hệ thống máy tính chuyên dụng và các thiết bị kỹ thuật video, audio, thiết bị chiếu sáng hiện đại.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận công việc sau:
- Công việc dựng phim tại các hãng phim, các đoàn làm phim, các công ty truyền thông, quảng cáo.
- Cán bộ nghiên cứu hoặc tham gia trợ giảng các môn chuyên môn.
Chuyên ngành Âm thanh điện ảnh, truyền hình
Chuyên ngành này đào tạo sinh viên thành những kỹ sư âm thanh điện ảnh, truyền hình. Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về công nghệ âm thanh điện ảnh, truyền hình kết hợp với kiến thức cơ bản về nghệ thuật điện ảnh.
Công việc của người học sau khi tốt nghiệp:
- Công việc dựng âm thanh tại các hãng phim, các đoàn làm phim, các công ty truyền thông, quảng cáo.
- Quản lý khai thác sử dụng tốt các trang thiết bị âm thanh tại các đoàn nghệ thuật biểu diễn, các hãng phim, các các công ty truyền thông.
- Cán bộ nghiên cứu hoặc tham gia trợ giảng các môn liên quan thuộc chuyên ngành trong cả nước.
Liệu bạn có phù hợp với ngành học?
Để học tập tốt và phát triển trong lĩnh vực Công nghệ điện ảnh, truyền hình, bạn cần phải có được những tố chất sau:
- Có sự cảm nhận tốt về hình ảnh, trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo và tư duy logic.
- Có sự kiên nhẫn, đặc biệt khả năng làm việc dưới áp lực cao.
- Là người giàu cảm xúc, tinh tế.
- Có kiến thức rộng về ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình, sử dụng thành thạo các phần mềm âm thanh, dựng phim để phục vụ tốt cho công việc.
- Có khả năng sắp xếp kịch bản và hình ảnh hợp lý trong quá trình dựng phim.
- Có kiến thức về nhiếp ảnh cũng như các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phối cảnh.
- Có kỹ năng xử lý tình huống và giao tiếp tốt.
- Có một quan điểm nghệ thuật riêng.
Cơ hội việc làm của sinh viên ngành này như thế nào?
Như đã nói ở trên, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhận công việc theo chuyên ngành của mình. Song, người học về Công nghệ điện ảnh, truyền hình hoàn toàn có thể làm việc tại các vị trí như sau:
- Chuyên gia thiết kế tại các công ty sản xuất phim hoạt hình manga, truyện tranh, công ty thiết kế game, phim quảng cáo, đài truyền hình, truyền thông thương hiệu.
- Dựng phim, vẽ hoạt hình, thiết kế sân khấu.
- Giám đốc hình ảnh cho các sự kiện trực tiếp, phim, nhà đài.
- Thành lập và điều hành công ty sản xuất phim hoạt hình.
Mức lương dành cho người làm trong ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình là bao nhiêu?
Những người làm trong ngành này có mức thu nhập khá ổn định. Như bao ngành khác, mức lương của mỗi cá nhân cũng phụ thuộc vào trình độ tay nghề cũng như số năm kinh nghiệm. Cụ thể như sau:
- Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp làm việc tại vị trí thiết kế, dựng phim tại các đơn vị sản xuất phim tư nhân, các công ty truyền thông sẽ có mức lương khoảng 6 – 8 triệu/tháng.
- Đối với những bạn đã có kinh nghiệm từ 2 – 3 năm sẽ có mức lương từ 8 – 10 triệu/tháng.
- Nhân viên dựng phim tại các đài truyền hình, đơn vị báo chí sẽ được nhận khoảng 15 triệu/tháng.
Mục đích đào tạo Ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình
- Đào tạo ra các Họa sĩ có chuyên ngành về hoạt hình manga, cartoon
- Trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, năng lực tham gia vào thị trường manga, hoạt hình. Có thể phát triển được trong nước và nước ngoài
- Bên cạnh đó, có các kiến thức chuyên môn cao về thiết kế phim hoạt hình 2D, 3D. Đồng thời, sử dụng và khai thác các phần mềm máy tính chuyên dụng trong lĩnh vực mỹ thuật truyền thông
- Đảm bảo sinh viên được học tập các kiến thức trong kỹ thuật xử lý hiệu ứng ánh sáng cho phim, kỹ xảo trong điện ảnh,..
- Sinh viên nắm vững những kiến thức và thuần thục các kỹ thuật về vẽ truyện tranh
- Sinh viên được học tập, được nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp trong một môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp.
- Có cơ hội được du học và học hỏi từ các người có kinh nghiệm trong nghề
Kết luận
Công nghệ điện ảnh, truyền hình cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng toàn diện về dựng phim và sáng tạo âm thanh điện ảnh, truyền hình. Người học sẽ có những trải nghiệm phong phú trong môi trường học tập và làm việc chuyên nghiệp. Nếu bạn muốn trở thành một người dựng phim, thiết kế âm thanh để làm nên những bộ phim với những kỹ xảo hình ảnh xuất sắc. Hy vọng những thông tin trên đã giúp các bạn hiểu thêm về ngành công nghệ điện ảnh, truyền hình và giúp bạn có sự lựa chọn đúng đắn về ngành nghề của bản thân.