Hiện nay trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách là rất lớn. Tuy nhiên, đội ngũ lao động chuyên nghiệp tham gia vào lĩnh vực này còn hạn chế. Do đó, đây là cơ hội lớn để những người theo học những ngành liên quan đến vận tải, cụ thể là ngành Khai thác vận tải phát triển mạnh. Bài viết sau xin cung cấp một số thông tin liên quan tới lĩnh vực này.
Ngành Khai thác vận tải là gì?
Ngành Khai thác vận tải là ngành chuyên đào tạo sinh viên với khả năng lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, vật tư, nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào và đầu ra, từ điểm sản xuất tới điểm tiêu thụ. Với chức năng và vai trò của nó, ngành này còn được gọi là ngành hậu cần trong quá trình vận chuyển.
Ngành Khai thác vận tải đào tạo những kỹ sư có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về vận tải, giao nhận và quy hoạch logistics. Bên cạnh đó, ngành này cũng cung cấp kiến thức cho sinh viên về các mảng như Marketing, hệ thống phân phối, phương thức vận tải… với mục đích tiết kiệm được chi phí và thời gian cung ứng.
Sau khi học, sinh viên có thể thực hành nghiệp vụ giao nhận hàng hóa, phân tích tốt các luồng hàng, nắm bắt được những nhu cầu của khách hàng, có khả năng quản trị các quy trình phân phối hàng hóa kể từ khâu sản xuất cho tới khâu tiêu dùng.
Các khối thi vào ngành Khai thác vận tải là gì?
Nếu bạn có đam mê và muốn theo đuổi ngành Khai thác vận tải, bạn có thể đăng ký xét tuyển các khối thi nằm trong những tổ hợp môn sau:
- Khối A00: Toán học, Vật lý, Hóa học
- Khối A01: Toán học, Vật lý, Tiếng Anh
- Khối D01: Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh
- Khối D90: Toán học, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh
- Khối D07: Toán học, Hóa học, Tiếng Anh
Điểm chuẩn ngành Khai thác vận tải là bao nhiêu?
Năm 2020, điểm chuẩn của ngành KTVT dao động trong khoảng 15 đến 23,8 điểm, theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia. Theo phương thức xét điểm học bạ, điểm trúng tuyển dao động từ 18 đến 24,4 tùy từng cơ sở đào tạo. Tuy nhiên con số này có thể thay đổi theo từng năm bởi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường là khác nhau.
Các trường nào đào tạo ngành Khai thác vận tải?
Ngành Khai thác vận tải đang được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm và lựa chọn. Bởi ngành này mở ra cơ hội lớn về nghề nghiệp và có một mức lương khá hấp dẫn. Trên cả nước hiện nay đã và đang có một số trường đào tạo ngành học này như các trường dưới đây:
Khu vực miền Bắc
- Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở Hà Nội)
- Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Cơ Sở Hà Nội)
Khu vực miền Nam
- Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở TP.HCM)
Các chuyên ngành thuộc ngành Khai thác vận tải là gì?
Chuyên ngành Quản lý và điều hành vận tải đường sắt
Chuyên ngành này tập trung đào tạo kiến thức chuyên môn toàn diện về quản lý sản xuất và công nghệ vận tải đường sắt để phân tích, tổng hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải của doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Chuyên ngành Quản lý và điều hành vận tải đường bộ
Chuyên ngành Quản lý và điều hành vận tải đường bộ cung cấp kiến thức chuyên môn về quản lý sản xuất vận tải đường bộ. Các kiến thức về việc lập kế hoạch liên quan đến tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải; thực hiện và điều hành quá trình vận tải trên các tuyến vận chuyển; vận tải hàng hóa và hành khách; quản lý, phân tích, tổng hợp các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng các dự án đầu tư cải tạo thiết bị, phương tiện, tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp vận tải.
Chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức
Ngành này trang bị kiến thức chuyên sâu về lập kế hoạch và tổ chức quá trình kinh doanh, phân tích đề ra giải pháp cải tiến nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải
Chuyên ngành Quản lý và kinh doanh vận tải đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, kinh doanh và khai thác giao thông vận tải thủy, đường bộ và đô thị, vận tải đường sắt và metro, vận tải hàng không. Có đủ năng lực chuyên môn để có thể quản lý, kinh doanh và khai thác giao thông vận tải trên các phương diện vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt – metro và hàng không.
Liệu bạn có phù hợp với ngành Khai thác vận tải?
Ngành Khai thác vận tải đem lại nhiều cơ hội hấp dẫn cho những ai đam mê ngành này. Tuy nhiên để theo đuổi đam mê và tạo nên hiệu quả công việc trong ngành Khai thác vận tải, bạn cần phải có chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của công việc. Cụ thể đó là:
- Có kinh nghiệm trong ngành Khai thác vận tải là một lợi thế.
- Khả năng nói và viết tiếng Anh tốt.
- Sự năng động, sáng tạo trong công việc.
- Khả năng làm việc độc lập và quyết đoán.
- Có khả năng xử lý tình huống, giám sát và huấn luyện nhân viên.
- Tràn đầy nhiệt huyết và năng động với tinh thần trách nhiệm cao.
- Có sức khỏe tốt để làm việc được lâu dài.
- Chịu được áp lực lớn từ công việc bởi đây là ngành khá vất vả.
Cơ hội việc làm ngành Khai thác vận tải như thế nào?
Hiện nay, ngành Khai thác vận tải đang có nhu cầu về nhân lực rất lớn. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này có thể làm ở các vị trí công việc tại các cơ sở sau:
- Trở thành nhân viên tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận.
- Làm các công việc, bộ phận liên quan đến việc lên kế hoạch, khai thác, Marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán.
- Doanh nghiệp vận tải: vận tải thủy nội địa, vận tải ôtô, vận tải hàng hóa, vận tải bằng taxi, vận tải container.
- Vận tải khách bằng xe buýt, vận tải khách theo tuyến cố định, vận tải khách bằng taxi, vận tải khách du lịch.
- Bộ phận khai thác, điều hành tại bến xe.
- Kho bãi hàng hóa, cảng thủy nội địa, cảng biển.
- Doanh nghiệp giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Doanh nghiệp Logistic và doanh nghiệp có đội xe, đội tàu.
- Trung tâm điều hành vận tải.
- Phòng vận tải, phòng quản lý phương tiện và người lái.
- Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc quốc tế.
Mức lương ngành Khai thác vận tải là bao nhiêu?
Ngành Khai thác Vận tải luôn luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, các doanh nghiệp vận tải sẵn sàng đồng ý trả cho các ứng viên mức lương cao để mời họ về làm việc cho doanh nghiệp của mình. Đối với những cử nhân có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, phục vụ tốt cho công việc thì sẽ được trả mức lương hậu hĩnh, đặc biệt những bạn nào sử dụng tiếng Anh thành thạo thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm cùng với mức lương cao hơn hẳn. Cụ thể, những bạn có kinh nghiệm và năng lực sẽ nhận được mức lương cao, dao động trong khoảng từ 400 – 500 USD/tháng. Còn đối với những người có thâm niên làm việc lâu năm với trình độ chuyên môn cao thì mức lương có thể lên đến hàng ngàn USD một tháng.
Kết luận
Dịch vụ vận tải đã và đang phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành một ngành công nghiệp quan trọng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp logistics và vận tải tại Việt Nam mang lại cơ hội việc làm rộng mở và tiềm năng phát triển mạnh cho những người có niềm đam mê với lĩnh vực này. Như vậy, ngành này đang thực hiện tốt vai trò cung cấp nguồn nhân lực chủ chốt cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các bạn sinh viên chuyên ngành KTVT trở thành tầm ngắm của những doanh nghiệp vận tải và logistics. Với những chia sẻ trên đây, chúc bạn đưa ra được những lựa chọn về ngành học và trường phù hợp cho bản thân.
có trường nào ở miền bắc đào tạo ngành này chưa ạ?
thu nhập ngành này như thế nào ạ
ngành này mới mở hả anh chị